trên tả cả các cột

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Để không mất tiền oan khi tìm nhà trọ



3 lý do khiến bạn mất tiền

Khi tìm chỗ trọ, các bạn tân sinh viên thường không nắm thông tin, dễ đến những trung tâm thiếu uy tín hay “cò″ dẫn đường. Sinh viên sẽ được nghe lời hứa: “Nộp tiền đi, chắc chắn sẽ tìm ra chỗ trọ!”, sau đó, được dẫn đi hết nhà trọ này đến nhà trọ khác, toàn nhà trọ kém chất lượng, kém vệ sinh hay an ninh không đảm bảo. Sau khi đi lòng vòng, sinh viên sẽ nản và chấp nhận bỏ luôn tiền phí tìm nhà.
Lý do thứ hai, khi đã tìm được nhà trọ, sinh viên không làm hợp đồng rõ ràng, đến khi dọn đi bất ngờ thì mất luôn tiền cọc. Thông thường, chủ nhà trọ yêu cầu báo trước 1 – 2 tháng trước khi chuyển nhà nhưng sinh viên thường vi phạm điều này nên đòi tiền cọc rất khó.
Lý do thứ ba, khi chuyển đến nhà trọ, các bạn không đăng ký tạm trú. Rắc rối xảy đến khi các bạn cần xác nhận địa phương trong quá trình học tập hoặc bị công an kiểm tra đột xuất. Nếu công an kiểm tra, bạn chưa đăng ký tạm trú, có thể bị phạt 200.000 đồng/người. Có bạn ở đến 4 – 5 năm mà chẳng biết đến đăng ký tạm trú là gì. Điều này nguy hiểm ở chỗ, trong quá trình ở ghép chung với nhiều người, bạn có thể bị người cùng phòng lấy mất đồ đạc có giá trị mà chẳng biết tìm đâu nếu chủ nhà không giữ lại bất cứ giấy tờ gì. Các bạn phải chủ động nhắc chủ nhà đăng ký tạm trú.
Kỹ lưỡng từ đầu
Khi đến một căn phòng trọ, các bạn tân sinh viên nên quan tâm đến các yếu tố sau: Giờ giấc quy định, lối đi riêng – chung, nhà vệ sinh (riêng hay chung), chỗ nấu nướng, sự an toàn chung của khu trọ, nguồn nước sử dụng, thoát hiểm, bạn bè chung khu trọ, ánh sáng, không gian không quá ồn ào, khoảng cách gần trường, giá cả điện nước, phí vệ sinh, quy định về tiếp người thân trong phòng trọ, hình thức và thời hạn đóng tiền nhà hằng tháng, hợp đồng rõ ràng bằng giấy tờ, đăng ký tạm trú. Sau khi xem xét các yếu tố trên và suy nghĩ kỹ lưỡng thì hãy đặt tiền cọc.
Anh Trọng Hoàng chia sẻ, trong quá trình hỗ trợ sinh viên, có những trường hợp sinh viên không thuê nhà chính chủ mà thuê lại nên giá nhà bị đội lên cao. Việc làm tạm trú tạm vắng cũng gặp không ít khó khăn do chỉ có chủ nhà “chính chủ” mới có thể làm tạm trú. Anh Hoàng kể: “Chúng tôi từng xuống nhà trọ thuyết phục một người chủ thứ ba cho sinh viên thuê trả lại tiền cọc. Nhưng chủ cho thuê này thú nhận đã nhận tiền cọc và… tiêu hết rồi. Sau khi đại diện trung tâm thuyết phục, họ chỉ đồng ý trả lại 50% tiền cọc cho sinh viên. Thông thường, sinh viên cần giải quyết khúc mắc thì có đến 2/3 bị đuối lý do các bạn thường vi phạm thỏa thuận miệng. Những lúc như thế, chúng tôi chỉ dùng cách thuyết phục nhiều hơn là dùng lý lẽ hay nhờ sự can thiệp của chính quyền”.
Đối với những bạn sinh viên nghèo, không có nhiều tiền nhưng muốn có phòng ở tốt thì thường phải chấp nhận ở ghép. Mức bình quân hiện tại để một sinh viên nội thành TP. HCM ở ghép phòng có chất lượng khá là 500.000 – 700.000 đồng. Giá nhà trọ năm nay tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Với những bạn muốn phòng trọ tốt hơn nhưng ít tiền thì phải chịu khó ở chung với chủ nhà. Điều đó, đồng nghĩa các bạn sẽ không được tự do như khi ở phòng biệt lập. Giờ giấc, nề nếp sinh hoạt… ít nhiều ảnh hưởng bởi không gian chung do chủ nhà quy định.
Để tháo gỡ khúc mắc hay ứng phó trong những tình huống khẩn cấp, sinh viên khi chuyển đến nơi trọ mới nên xin ngay số điện thoại của công an khu vực, trưởng tổ dân phố hay chốt dân phòng.
Đầu năm học 2013, tình hình nhà trọ không “sốt” hay khan hiếm như những năm trước. Lý do là tình hình nhà đất đang “đóng băng”, nhiều căn hộ không bán được, chuyển đổi hình thức kinh doanh bằng cách cho sinh viên thuê. Năm nay, sinh viên tìm nhà không khó và có nhiều lựa chọn hơn.